Các nhà khoa học gọi nó là phản laser. Thay vì khuếch đại ánh sáng, nó dập tắt ánh sáng hoàn toàn, để lại bóng tối tuyệt đối.
Laser hoạt động bằng cách tạo ra một đợt thác photon phản xạ tới lui bên trong một vật liệu khuếch đại ánh sáng trước khi thoát ra ở một đầu. Mội đội nghiên cứu tại trường Đại học Yale tự hỏi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ đảo ngược quá trình lại, làm cho vật liệu hấp thụ ánh sáng chứ không phát ra một chùm laser.
Đa số laser phát ra ánh sáng từ một đầu, nhưng người ta cũng có thể làm cho các laser phát ra hai chùm tia giống hệt nhau theo hai hướng ngược nhau. Điều này yêu cầu có những lớp trong suốt một phần, giống hệt nhau, ở hai đầu của một thanh vật liệu phát sáng, thí dụ như gallium arsenide.
Các nhà nghiên cứu tính được rằng nếu sử dụng một chất liệu hấp thụ ánh sáng như silicon, thì ở những bước sóng nhất định, hai chùm laser giống hệt nhau chiếu thẳng vào nhau sẽ triệt tiêu nhau hoàn toàn bên trong khối chất liệu.
Một miếng silicon mỏng bằng tờ giấy thông thường hấp thụ khoảng 20% ánh sáng tới, nhưng đội nghiên cứu tính được rằng cơ cấu này sẽ triệt tiêu hầu như toàn bộ ánh sáng tới ở bước sóng
945 nm, trong vùng hồng ngoại gần. Kết quả của họ công bố trên tạp chí Physical Review Letters, số 105, trang 053901.
Cho đến nay, hiệu ứng chỉ mới tồn tại trên giấy, nhưng thành viên đội nghiên cứu, Dougals Stone cho biết “các thí nghiệm đang triển khai là cực kì có triển vọng, và tôi hoàn toàn tin chắc rằng nó có thể được hiện thực hóa”. Năng lượng từ các chùm laser dập tắt nhau sẽ biến đổi thành nhiệt, nhưng nếu bằng cách nào đó có thể biến nó thành dòng điện, thì hiệu ứng có thể cho phép các xung sáng truyền trong cáp quang được biến đổi thành tín hiệu điện với hiệu suất cao.
Nguồn: New Scientist
No comments:
Post a Comment